3 tuổi, ông thuộc làu Tam tự kinh, 4 tuổi, ông học viết, 5 tuổi (năm 1842) cắp sách đến trường học chữ Nho, chữ Nôm với thầy giáo Học.
Ông thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, đọc Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Tống…
– LƯỢC SỬ TRƯƠNG VĨNH KÝ
06.12.1837: ra đời tại tỉnh Vĩnh Long
1842: bắt đầu học chữ Nho
1854: học chữ Quốc Ngữ và La Tinh với Cố Long
1852-1858: học thêm nhiều ngoại ngữ khác
1863: được quan Khâm Sai Phan Thanh Giản mời tháp tùng qua Pháp và Ý thương thuyết. Yết kiến Đức Giáo Hoàng tại Roma. Tiếp xúc với các nhà văn Pháp nổi tiếng Victor Hugo, Littré, …
1864: Giáo sư rồi Giám Đốc trường Thông Ngôn
1864-1869: Viết sách: Chuyện đời xưa, Abrégé de Grammaire annamite, Cours Pratique de langue annamitte. Quản lý tờ Gia Định báo
1870: Thông ngôn cho sứ thần Y Pha Nho
1872: Làm Đốc Học dạy người Pháp học tiếng Đông Dương
1874: Cộng tác với Đại sứ Y Pha Nho tại Trung Hoa
Hội viên hội Á Châu (Société asiatique) do sự giới thiệu của Littré và Renan
1875: Chánh Đốc Học đường Tham Biện Hậu Bổ
1886: Giao tiếp với Paul Bert, Toàn quyền Đông Dương. Dạy Đồng Khánh học chữ Pháp
1887: Giáo sư thổ ngữ Đông Phương tại Hậu Bổ
1888: đi công cán tại Vọng Các
1898: mất vì bệnh
– Ông được học với nhiều thầy giỏi và tiếp xúc với bạn học ở nhiều nước khác nhau. Với trí thông minh phi thường, với tinh thần cần cù hiếm thấy, Trương Vĩnh Ký luôn luôn là một học sinh xuất sắc toàn diện.
Riêng về ngoại ngữ, ngay từ thập kỷ 50 – 60 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký, một người Việt Nam đã thông thạo nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á cũng như các ngôn ngữ khác trên thế giới, như các thứ tiếng: Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Myanmar, Chăm, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Latin… để giao lưu và hội nhập dễ dàng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
– Từ các công trình của ông, các nhà nghiên cứu công nhận ông đọc và nói rất giỏi 15 sinh ngữ phương Tây, nếu tính luôn tiếng mẹ đẻ, ông nói và viết được 27 thứ tiếng, viết 11 ngoại ngữ châu Á (trong đó, ông viết sách giáo khoa dạy 9 trong số 11 ngôn ngữ ấy).
Các nhà ngôn ngữ học đương thời cho rằng Trương Vĩnh Ký đã tự tìm ra những quy luật ngữ pháp giống nhau, khác nhau của các tiếng nước ngoài để học nhanh và dễ dàng.
– Ông đọc rất nhiều sách Hán, Pháp, Anh, Hi Lạp, Tây Ban Nha… Ông tiếp nhận được rất nhiều tư tưởng, kiến thức của người xưa cả Đông và Tây nhờ trí thông minh, khả năng ngôn ngữ và trí nhớ đặc biệt của mình.
– Lúc sinh thời, Trương Vĩnh Ký được giới khoa học Châu Âu tôn trọng, đánh giá rất cao.
Ông được mời làm hội viên các hội Nhân chủng học, Địa lý Paris, Giáo dục nhân văn và khoa học… Năm 1874, ông được phong Giáo sư ngôn ngữ Á Đông và được tôn vinh là một trong mười tám “toàn cầu bác học danh giá” ngang với những tên tuổi lẫy lừng của phương Tây thời đại đó.
– Nhân dân ta kính trọng ông – một nhà bác học, một nhà giáo dục, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách trong sạch cao thượng vừa có chân tài. Ông là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho chữ Quốc ngữ nước nhà. Một nhà giáo ưu tú. Lịch sử đã và sẽ tiếp tục ghi nhận công lao của Trương Vĩnh Ký với tư cách người đi tiên phong trong công cuộc chuẩn bị duy tân cho đất nước.
– Những năm cuối đời, ông chuyên tâm dạy học và viết sách. Ông đã góp phần đào tạo cho đất nước hàng ngàn trí thức trẻ và để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại hơn 120 tác phẩm về nhiều chuyên ngành: ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, pháp luật, kinh tế, chính trị, sinh học, văn học v.v…
Những công trình này đã có tác dụng khai sáng cho thế hệ trẻ, mở mang sự hiểu biết: hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết xã hội, hiểu biết con người. Chúng ta cần tiếp tục giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, văn hóa và phong tục để truyền lại cho con cháu chúng ta.
– Ngày 15/4/2002, trường THPT Trương Vĩnh Ký (Nay là trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký) được UBND tỉnh Đồng Nai cho thành lập trường, được đặt tên của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, tập thể nhà trường luôn tuân thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp chính quyền, đồng thời luôn luôn xem nhà bác học Trương Vĩnh Ký luôn là tấm gương sáng về học tập và lao động khoa học cho thế hệ trẻ noi theo. Với 19 năm hình thành và phát triển, các thế hệ học sinh của trường noi theo tấm gương về tinh thần tự học, nhân cách và tinh thần học hỏi của cụ để trưởng thành và phát triển và các thế hệ sau này vẫn sẽ tiếp tục noi theo tấm gương của cụ.
–Bài viết tham khảo từ nguồn Internet–